TAN VIET PHAT
« Quay lại

Vĩnh Long cho bán bột bánh xéo nghi nhái bao bì

Dù có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng một công ty tại Vĩnh Long vẫn được Sở Công Thương tỉnh cho phép tiếp tục kinh doanh sản phẩm với lý do "tránh lãng phí, giúp đơn vị có tiền trả nợ".

Đầu tháng 4/2017, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long ban hành văn bản cho phép Công ty liên doanh bột Sài Gòn - Vinamix (trụ sở tại số 8A, đường Đinh Tiên Hoàng, Thành phố Vĩnh Long) tiếp tục sử dụng mẫu bao bì vi phạm về sở hữu trí tuệ còn tồn lại mà doanh nghiệp đã in, với điều kiện khắc phục theo hướng xóa hấu hiệu “Vinamix và hình” để tiếp tục lưu hành trên địa bàn tỉnh này đến hết tháng 9 năm nay. Quyết định được đưa ra với lý do “tháo gỡ khó khăn cho công ty trong quá trình sản xuất kinh doanh, tránh gây lãng phí, giúp công ty vượt qua khó khăn”. Văn bản còn viện dẫn Nghị quyết số 02 của Chính phủ năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

Trước đó, ngày 22/3/2017, đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Long đã làm việc với Công ty liên doanh bột Sài Gòn - Vinamix. Tại đây, đại diện công ty thừa nhận đã tung ra thị trường 40 tấn bột bánh xèo, bánh khọt hiệu “Hương Quê”, và số sản phẩm này có bao bì gây nhầm lẫn với sản phẩm bột bánh xèo, bánh khọt “Hương Xưa” của Công ty liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) và Công ty TNHH Bột mì Đại Phong tại TP HCM. Vinamix cho biết cần thời gian từ 60 đến 90 ngày để thu hồi toàn bộ sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, ngày 31/3, Vinamix lại có đơn xin được tiếp tục dùng mẫu bao bì vi phạm gửi đến Sở công thương Vĩnh Long trong thời gian chờ hoàn thành việc thiết kế, in ấn mẫu bao bì mới. Sau khi được sở này "gật đầu" chấp thuận, Vinamix chỉ che dán mẫu logo “Vinamix và hình” ở mặt lưng sản phẩm và tiếp tục bán ra. Quyết định lập tức nhận được phản ứng của phía bị vi phạm là Công ty Đại Phong.


Bánh xèo Hương Quê tiếp tục được bán sau khi chỉ che logo ở mặt lưng trong khi tổng thể vẫn còn gây tranh cãi về khả năng nhầm lẫn với bánh xèo Hương Xưa. Ảnh: Viễn Thông

“Chúng tôi biết là có thể khởi kiện văn bản này nhưng nếu đưa ra tòa thì có khi bắt đầu xử lý thì đã quá hạn 30/9. Vì vậy, chúng tôi đã gửi khiếu nại đến Sở Công Thương Vĩnh Long để yêu cầu thu hồi văn bản. Vụ việc chưa được giải quyết xong mà quyết định cho sản phẩm này lưu hành ra thị trường là không hợp lý. Việc viện dẫn lý do giúp doanh nghiệp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 02 năm 2013 càng không hợp. Nghị quyết này ra đời trong bối cảnh hỗ trợ cách doanh nghiệp khó khăn cách đây 4 năm. Công ty bột Sài Gòn mới thành lập cuối năm ngoái”, luật sư Nguyễn Minh Trí – đại diện pháp lý của Công ty Đại Phong và Intermix cho biết.

Đánh giá về văn bản gây tranh cãi của Sở Công Thương Vĩnh Long, luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn luật sư TP HCM cũng nhận định là chưa ổn. “Với cách làm thế này thì làm sao chúng ta có thể giải quyết được vấn đề hàng nhái được”, bà Hòa cũng đồng tình là hoàn toàn có khả năng để khởi kiện văn bản này nếu doanh nghiệp muốn.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Hùng - Cục phó Cục Quản lý thị trường kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) cho hay đã biết thông tin về vụ việc. “Văn bản này tôi thấy chưa chuẩn. Trước khi ra văn bản, Sở Công Thương Vĩnh Long nên tham khảo thêm ý kiến các cơ quan liên quan như Chi cục quản lý thị trường tỉnh hay Thanh tra Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh. Tôi có gọi cho anh Phạm Tứ Phương – Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long là người ký văn bản) để nhắc nhở góp ý”, ông Hùng cho biết, đồng thời nhận định, tình hình hàng nhái, hàng giả đang ngày càng phát triển bất chấp hệ thống pháp lý đã khá đầy đủ. Theo ông, điều này là do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành. Không những vậy, mỗi đơn vị có khi lại hiểu và áp dụng các quy định một cách khác nhau.

Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa thì cho biết, dù có hơn 10 luật có liên quan đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng hàng giả, hàng nhái cứ tăng là có lý do. “Pháp luật nhiều nhưng chưa đủ. Tôi có cảm giác như mình đang đi vào một ngôi nhà có quá nhiều cột để rồi phải đụng đầu vô. Chúng ta có luật nhưng tính khả thi chưa cao nên không hiệu quả lắm”, bà Hòa đánh giá.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Nguyên – Đội trưởng Đội 7 PC 46 (Phòng cảnh sát điều tra PC46 Công an TP HCM) cho biết không ít lần gặp khó vì các thông tư liên tịch không có hướng dẫn rõ ràng. “Văn bản thì đề căn cứ vào ‘quy mô thương mại’ để xử phạt. Nhưng ‘quy mô thương mại’ là gì? Được giải thích sao thì cần phải thống nhất. Chúng tôi đã đi đấu tranh với hàng giả mà còn phải tranh đấu ngược lại với viện kiểm sát về cách hiểu các từ ngữ”, ông Nguyên nói.

Cũng theo Công an TP HCM, từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã xử lý 10 vụ vi phạm về hàng nhái, hàng giả. Trong đó, đã khởi tố 3 vụ.

Viễn Thông –Vnexpress.net